Thứ Bảy, 29 tháng 9, 2012

CHỮ TÂM TRONG KINH DOANH


  Tâm 4
Vốn là cán bộ đoàn, học sư phạm, tôi làm doanh nhân do… thời thế. Gọi nôm na là nghề chọn mình. Không được đào tạo bài bản, chỉ qua trường đời. Từ thực tiễn tôi có một góc nhìn riêng về đạo đức kinh doanh.

Làm nghề gì cũng phải có đạo đức


Đạo đức là nền tảng của xã hội - mỗi người có đạo đức cá nhân và ngành nghề có đạo đức nghề nghiệp. Kinh doanh cũng vậy. Đạo đức kinh doanh không chỉ được quy định bởi luật pháp mà còn tùy thuộc vào truyền thống mỗi dân tộc và lương tâm người lãnh đạo doanh nghiệp. Có việc luật pháp không cấm nhưng trái với văn hóa người Việt thì mọi người cũng phải dựa theo đó mà hành xử. Lãnh đạo vô đạo đức thì thuộc cấp hư hỏng là đương nhiên.


Ở Việt Nam, trong giáo trình đào tạo chưa thấy ngành nghề nào đưa đạo đức nghề nghiệp vào chính khóa để giảng dạy, để kiểm tra trước khi cấp bằng? Đáng lẽ ra đây là bài học nhập môn. Sẽ có những người bị loại từ đầu bởi thiếu đạo đức nghề nghiệp. Tài xế không chỉ giỏi kỹ thuật lái xe mà quan trọng hơn phải luôn nhớ đến tính mạng hàng chục người trên đường thiên lý đang trong tay mình.


Trước khi làm bất cứ nghề gì phải học làm người, học từ lứa tuổi mẫu giáo. Một sinh viên trường Đại học Huế đã hỏi tôi trong lần giao lưu “Sinh viên với doanh nhân” do Thời báo Kinh tế Sài Gòn tổ chức: “Tiêu chí nào để ông lựa chọn nhân viên?”. Tôi đã trả lời: “Cần một chữ tâm, tâm đối với đời, tâm với người, tâm với nghề, sau đó mới tính tới những thứ khác”. Mỗi nhân viên khi thử việc đều được làm quen các hoạt động xã hội và bài học đầu tiên là lòng nhân ái.


Có một thời người ta gọi giới doanh nhân trong nước là gian thương. Các doanh nhân ngày nay đã chứng minh ngược lại. Họ làm giàu cho cá nhân, gia đình và xã hội. Các hoạt động hướng về cộng đồng đã thể hiện phần nào trách nhiệm của doanh nhân, đó cũng là đạo đức kinh doanh vậy.


Khách hàng và thương trường

Là doanh nhân cần có sự trung thực với khách hàng và minh bạch về các sản phẩm cũng như dịch vụ của mình. Một doanh nghiệp có lòng tự trọng sẽ không dám tự khen mình trước thiên hạ, càng không bao giờ dám vỗ ngực nói thêm dù chỉ là trong quảng cáo. Nhưng trong thực tế vẫn có nhiều doanh nghiệp tự khen mình về chất lượng, danh xưng đại ngôn, lập lờ về sản phẩm…Khách hàng chẳng biết đâu là thực hư dù họ được tâng bốc nào là vua, là thượng đế!


Nếu nói khách hàng là “vua” thì xã hội này không có dân vì mỗi người đều là khách hàng của nhau. Chưa có xã hội nào chỉ toàn “vua” mà không có dân cả? Nói khách hàng là “thượng đế” cũng chẳng đúng, bởi chưa ai thấy thượng đế bao giờ? Hay nói khách hàng là “ân nhân” cũng chưa hẳn đúng.


Mua - bán là quan hệ song phương, tự nguyện theo nguyên tắc đôi bên cùng có lợi, cùng cần nhau. Người mua cần những người bán trung thực, ăn lời vừa phải, biết lắng nghe… Người bán cũng cần người mua chân tình, biết góp ý và giúp mình giới thiệu sản phẩm đến người khác… Vì thế, tôi quan niệm khách hàng là người thân. Tùy tuổi tác mà có cách xưng hô nhưng đối xử thì bình đẳng.


Đạo đức kinh doanh dạy tôi biết cảm ơn khách hàng (và họ cũng cảm ơn lại mình), đồng thời biết xin lỗi và tự giác hoàn trả lại tiền và đền bù thiệt hại khi sản phẩm hay dịch vụ của mình bị khiếm khuyết. Khi bán hàng, tôi luôn đặt mình vào vị trí người mua với lời dạy của Khổng Tử: “Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân”.


Tôi cũng không đồng tình quan điểm: “Thương trường là chiến trường”. Từng là người lính, tôi biết trên chiến trường chỉ có ta và thù, và ở đó cũng chỉ có khái niệm: thắng - thua hay sống - chết. Mấy năm làm doanh nhân càng giúp tôi khẳng định: “Thương trường không phải là chiến trường”. Thương trường không có kẻ thù, chỉ có bạn, cả bạn tốt lẫn bạn xấu. Nếu đã coi nhau như kẻ thù thì cần gì các hiệp hội, các câu lạc bộ ngành nghề để tương trợ, liên kết với nhau?


Tôi là người theo chủ nghĩa hoài nghi nhưng lại sống lạc quan. Làm doanh nhân trước hết là làm người và luôn tự răn mình: “Trí thì không nghi người. Dũng thì không sợ người. Nhân thì không hại người”. Đạo kinh doanh suy cho cùng cũng là đạo làm người. Mình có thể làm giàu 
cho bản thân, cho gia đình, cho công ty nhưng không được phương hại đến người khác.
   

NIỀM TIN VÀ SỰ SINH TỒN


Chiếc rìu là câu chuyện về hành trình của một cậu bé thành thị một mình lạc bước và sống trong rừng hoang. Cuốn sách này đã được bán với con số hơn hai triệu bản và được dựng thành phim truyền hình với nhan đề A cry in the wind năm 1990.

 



Khi Brian Robeson 13 tuổi, bố mẹ cậu chia tay. Mẹ cậu ở lại thành phố New York, còn bố cậu tới làm việc tại khu khai thác dầu mỏ trong vùng rừng núi miền Bắc Canada. Với trí óc non nớt của Brian, đó là chuyện thật tồi tệ. Càng kinh khủng hơn khi cậu biết bí mật đáng buồn đằng sau sự chia tay ấy. Bí mật đó day dứt tâm trí cậu cho đến tận khi cậu lên chuyến máy bay mà cậu là hành khách duy nhất để tới thăm bố. Nhưng một tai nạn kinh khủng đột ngột xảy ra. Brian đã phải tự mình điều khiển máy bay bằng tất cả kiến thức mà cậu thu lượm được trong sách báo. Chính lòng dũng cảm, tri thức cùng may mắn đã giúp cậu thoát chết khi máy bay lao xuống hồ nước. Tuy nhiên lúc tỉnh lại sau vụ va chạm, Brian thấy mình lạc giữa núi rừng hoang dã, vô phương hướng, không có cái gì ngoài chiếc rìu mẹ tặng. Lúc này, Brian không có thời gian để tức giận, buồn bã, hay thất vọng nữa - cậu phải dành toàn bộ trí lực cùng quyết tâm để tồn tại.

Khi ngồi bên bờ hồ nước nơi cậu đã thoát chết kỳ diệu, điều đầu tiên đến với Brian là cảm giác đói. Brian phải mau chóng tìm cái gì đó để ăn và cậu nghĩ đến những quả mọng. Cậu phải đi kiếm quả, nhưng phải tìm cách sao cho không bị lạc cách xa cái hồ để không bị chết khát. Cậu nghĩ chỉ cần quả mọng cầm cự là đủ, vì người ta sẽ sớm tìm ra cậu thôi. Nhưng không phải vậy, Brian chờ đợi trong vô vọng, và cậu biết rằng cậu cần nhiều thức ăn hơn thế để sống sót được. Và đó chính là lúc cậu vận dụng tới chiếc rìu. Nhờ chiếc rìu, cậu có thể sáng chế nhiều loại công cụ khác để bắt cá, săn chim. Thất bại không biết bao nhiêu lần, nhưng một khi còn chiếc rìu, Brian còn có hy vọng.

Không chỉ cần thức ăn, Brian còn cần có một cái lán để tránh mưa nắng và những con vật lạ, đặc biệt là cần có lửa. Chiếc rìu đã mang lại lửa và thay đổi hoàn toàn cuộc sống trong rừng hoang của Brian. Và khi đã tích lũy được tất cả những kinh nghiệm quý báu ấy, dù có lúc tuyệt vọng, cậu vẫn có thể làm lại mọi thứ một cách khá dễ dàng.

Xoay quanh những ngày tháng đặc biệt ấy trong cuộc đời cậu bé Brian, câu chuyện đã mang lại nhiều tri thức quý báu, thú vị về sự sống con người giữa vùng rừng hoang dã. Với Brian, cuộc sống ấy song hành với chiếc rìu mẹ cậu tặng. Và cuối cùng, cũng chính chiếc rìu đã giúp Brian thoát khỏi nơi tưởng như không có chỗ cho sự sống đúng vào lúc cậu chợt nghĩ ra trong chiếc máy bay bị ngập sâu dưới lòng hồ còn có rất nhiều thứ mà cậu có thể sử dụng…

Với Brian, chiếc rìu là là khởi nguồn cho hy vọng và là động lực của cuộc đấu tranh sinh tồn. Với độc giả, chiếc rìu là biểu trưng cho sức mạnh, niềm tin trong những lúc khốn khó, khi mà buông xuôi bao giờ cũng dễ dàng hơn

NGHỊ LỰC PHI THƯỜNG CỦA CHÚ CHÓ " FAITH"


câu chuyện thú vị về chú chó Faith